Bát Tràng, làng gốm lâu đời và nổi tiếng trong lịch sử nước ta, nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Theo các thư tịch cổ,
nghề gốm Bát Tràng xuất hiện trong khoảng thế kỷ XIII, dưới thời Trần. Một số tài liệu còn nhận định làng Bát Tràng còn có thể xuất hiện sớm hơn.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên ghi: Bát Tràng có tên là Xã Bát, làng Bát từ đời nhà Trần. Trải qua mấy trăm năm nay, làng nghề này vẫn giữ tên là Bát Tràng.
Trong suốt chiều dài lịch sử, các nghệ nhân, người dân của làng đã cho ra lò vô số loại gốm, sứ quý và độc đáo. Gốm, sứ Bát Tràng không chỉ nổi tiếng trong nước, những sản phẩm tinh xảo, đã vang danh như gốm men ngọc (thời Lý, Trần), gốm hoa nâu hay gốm men nâu (cuối thời Trần - đầu thời Lê), gốm men rạn (thời Lê - Trịnh) và gốm hoa lam (cuối thời Lê - thời Nguyễn) đã được người tiêu dùng ở châu Âu, châu Á…
Những năm gần đây, người dân Bát Tràng đã ứng dụng nhiều công nghệ mới vào sản xuất. Cách nghĩ mới, cách làm mới ấy nhưng vẫn lấy những bí quyết cổ truyền làm cốt. Chính điều này làm cho các sản phẩm của Bát Tràng giữ được phong cách riêng, độc đáo, không lẫn với các thương hiệu khác. Do kinh tế trong và ngoài nước đều khó khăn, sản phẩm của Bát Tràng bán trong nước và xuất khẩu tuy vẫn đạt hàng chục triệu USD mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người, nhưng cũng giảm sôi động hơn ở những thời kỳ đỉnh cao.
Để thoát khó, nhiều hình thức kinh doanh, cải tiến mẫu mã sản phẩm cho hợp thời đã được giới trẻ Bát Tràng tích cực đổi mới. Hiện ở Bát Tràng có hơn 200 công ty, xí nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ gốm, sứ, du lịch...Hằng ngày, vẫn có hàng đoàn xe du lịch với rất nhiều khách trong và ngoài nước đã đến Bát Tràng tham quan, mua bán, tìm hiểu cách thức chế tác các sản phẩm gốm, tìm hiểu nguồn cội văn hóa, lịch sử độc đáo của làng nghề...
Chính sự đa dạng của các sản phẩm văn hóa vật thể từ làng gốm Bát Tràng qua giao lưu kinh tế, yếu tố văn hóa đã lan toả góp phần tạo nên nét đặc sắc của văn hóa Hà Nội, văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung.